Các sai lầm thường gặp bệnh nhân mắc phải trong ăn uống

Tuy kiến thức về dinh dưỡng trong ung thư đã được các chuyên gia truyền thông rộng rãi, nhưng trên thực tế vẫn không tránh khỏi một số vấn đề, cũng như những quan niệm sai lầm trong ăn uống, dẫn đến để lại những thách thức và khó khăn hơn trong quá trình điều trị cho bệnh nhân ung thư.Sau đây chúng ta cùng tìm hiểu một số quan niệm sai lầm trong cách ăn uống của bệnh nhân ung thư tại Việt Nam mà chúng tôi thường gặp trên lâm sàng nhé!

Các sai lầm thường gặp mà bệnh nhân thường mắc phải:
1. Quan niệm sai lầm khi người bệnh ung thư kiêng khem quá mức (ăn rất ít, gần như bỏ đói cơ thể) trong thời gian dài để khối u bị đói hay chậm phát triển. => Sự thật là: Bệnh nhân ăn quá ít không thể ngăn khối u phát triển mà còn gây thiếu hụt năng lượng và nhiều dưỡng chất cho cơ thể. Khi đó, khối u sẽ lấy năng lượng từ nguồn dự trữ của cơ thể như khối mỡ và khối cơ, khiến cơ thể suy mòn dần. Người bệnh bị suy dinh dưỡng có thể chết do suy kiệt nặng trước khi chết do ung thư.
2. Quan niệm sai lầm thứ 2 là kiêng ăn thịt đỏ hoàn toàn để giảm sự phát triển khối u. Sự thật là: Vitamin B12 hay sắt không chỉ có trong thịt đỏ mà còn có nhiều trong đạm động vật khác hay các loại đậu đỗ. Việc kiêng khem quá mức các thức ăn này, trong đó có thịt đỏ sẽ khiến người bệnh thiếu đạm, teo cơ, giảm sức đề kháng cản trở quá trình lành vết thương… Trường hợp người bệnh sau một ca phẫu thuật lớn, bị mất máu đáng kể hay khi hoá trị, tế bào máu như hồng cầu bị tiêu diệt, bệnh nhân sẽ thiếu máu trầm trọng. Vì vậy, trong những trường hợp này, việc ăn bổ sung các thực phẩm giúp tăng cường tạo máu như thịt đỏ sẽ trở nên cần thiết hơn.
3. Quan niệm sai lầm thứ 3 là: kiêng dùng thức uống bổ dưỡng vì sợ sẽ làm khối u phát triển. Sự thật là: Nếu bệnh nhân bị suy dinh dưỡng hay ăn uống kém thì việc bổ sung các thức uống bổ dưỡng như sữa giàu năng lượng là rất cần thiết. Lúc này, sữa sẽ giúp người bệnh phục hồi, tránh suy dinh dưỡng nặng hơn, cải thiện kết quả điều trị và nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.
Trường hợp bệnh nhân nuốt khó hay viêm loét miệng: cần chế biến thực phẩm mềm lỏng, phù hợp sở thích người bệnh. Có thể bổ sung sữa và các thức uống dinh dưỡng khác.

Một số trường hợp đặc biệt khác như mắc bệnh kèm về gan, thận, đái tháo đường, hay các triệu chứng đặc biệt có ảnh hưởng đến ăn uông thì cần được điều trị dinh dưỡng bởi bác sĩ điều trị và chuyên gia dinh dưỡng trên từng cá thể khác nhau.
Quan niệm sai lầm trong ăn uống có thể là việc đơn giản với nhiều người, nhưng lại để lại những hậu quả vô cùng to lớn. Đặc biệt khi biến chứng đã xảy ra do kiêng khem quá mức và ăn sai cách, cơ thể bệnh nhân suy mòn rất nhanh mà đôi khi các nhà lâm sàng rất khó để can thiệp và điều trị. Vì vậy những lưu ý nhỏ trong cách chăm sóc ăn uống cho bệnh nhân ung thư là vô cùng quan trọng.