Ung thư là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới, đang ngày càng gia tăng trong đó bao gồm cả Việt Nam. Một đặc điểm quan trọng là bệnh thường được phát hiện ở giai đoạn muộn và cùng với đau đớn là tâm lý khủng hoảng, rối loạn giấc ngủ làm cho người bệnh suy sụp, chán ăn mệt mỏi và nhanh chóng dẫn tới tình trạng suy dinh dưỡng.Dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư đóng vai trò rất quan trọng, góp phần hỗ trợ cho quá trình điều trị. Nhiều nghiên cứu trên thế giới cũng như tại Việt Nam đã chỉ ra rằng khoảng 20% bệnh nhân ung thư tử vong do cơ thể suy dinh dưỡng nặng trước khi chết vì bệnh ung thư.
Ung thư có thể ảnh hưởng đến tình trạng dinh dưỡng và ngược lại, tình trạng dinh dưỡng kém cũng ảnh hưởng đến đáp ứng điều trị, cách thức điều trị cà chất lượng cuộc sống của bệnh nhân ung thư.
Sự giảm cân ở bệnh nhân ung thư là do tác động của nhiều yếu tố như: ảnh hưởng của tâm lý gây ra chán ăn, sự sản sinh chất trung gian gây viêm và dị hoá, làm tiêu hao nhiều năng lượng, tình trạng bệnh lý và vị trí khối u cũng ảnh hưởng đến việc tiêu hoá và hấp thu (như ung thư vùng đầu mặt cổ, ung thư đường tiêu hoá), ngoài ra các phương pháp điều trị cũng có tác động đến tình trạng dinh dưỡng của bệnh nhân ung thư.
Sụt cân nhiều hay suy dinh dưỡng nặng tác động nhiều bất lợi cho bệnh nhân ung thư:
– Vết mổ chậm lành, tăng nguy cơ nhiễm trùng sau phẫu thuật.
– Dễ bị tăng độc tính và biến chứng của hoá, xạ trị.
– Kéo dài thời gian nằm viện, tăng chi phí điều trị.
– Điều trị ung thư có thể bị tạm ngưng hoặc ngưng hẳn.
– Chất lượng cuộc sống kém. Nguy cơ tử vong cao.
Bệnh nhân có thể vì suy dinh dưỡng mà chịu không nổi liệu pháp điều trị tối ưu nên bác sĩ buộc phải giảm liều hoặc tạm ngưng điều trị để điều trị dinh dưỡng tích cực.
Vì vậy, chế độ dinh dưỡng hợp lý cho bệnh nhân ung thư rất quan trọng và cần được quan tâm ngay từ đầu, trước, trong và sau quá trình điều trị.
Vậy Bệnh nhân ung thư cần ăn gì, và ăn như thế nào?
Chúng ta nên biết rằng mục đích của điều trị dinh dưỡng là để cung cấp đầy đủ năng lượng và các chất dinh dưỡng cho cơ thể duy trì mọi hoạt động sống. Giúp hồi phục suy dinh dưỡng và tăng khả năng đáp ứng điều trị, giảm biến chứng, tăng cường chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân. Vì vậy, vai trò của người nhà bệnh nhân và nhân viên y tế là rất quan trọng trong chăm sóc dinh dưỡng bệnh nhân hằng ngày.
Đầu tiên là việc lựa chọn thực phẩm bệnh nhân ung thư nên dùng:
1. Thức ăn giàu chất đạm: thịt, cá, trứng, sữa, ngũ cốc, các loại hạt… Trong đó, bệnh nhân nên ăn thịt trắng, đậu đỗ, trứng và sữa thường xuyên. Bệnh nhân cũng có thể ăn thịt đỏ với hàm lượng ít hơn 300gam/ tuần và hạn chết ăn khô, mắm và món nướng. Khuyến cáo lượng đạm cần cho 1 ngày là từ 1,2g – 1,5g/kg cân nặng. Ví dụ, bệnh nhân cao 1,6m nặng khoảng 55kg thì lượng đạm cần cho mỗi ngày là khoảng 80g, tương đương với 200g thịt nạc/300g cá nạc cùng đạm bổ sung thì gạo, đậu, sữa, trứng.
2. Thức ăn giàu chất béo: Bệnh nhân nên sử dụng dầu thay cho mỡ hay magarine. Các loại dầu tốt cho sức khoẻ là dầu oliu, dầu cải, dầu phộng, dầu nành. Và cần hạn chế ăn chất béo từ mỡ động vật, nội tạng cũng như dầu cũ, magarine. Trung bình một ngày khuyến cáo dùng khoảng 30g, hoặc tối đa 40g chất béo (tương đương với 3 muông canh dầu nành hoặc 2 muỗng canh dầu oliu). Đặc biệt là axit béo omega-3 có tác dụng điều hoà đáp ứng viêm và miễn dịch, tái tạo và sữa chữa mô tổn thương, kiểm soát quá trình suy mòn, tăng sức đề kháng, thường có nhiều trong dầu cá, các loại sữa công thức.
3. Tinh bột: gạo, mì, ngô, khoai, sắn, bún, bánh phở… Nếu bệnh nhân ung thư kèm đái tháo đường thì nên ăn loại tinh bột còn cám như bánh mì đen, yến mạch, lúa mì, gạo lứt. Người lao động nhẹ với chiều cao trung bình 1,6m chỉ cần ăn mỗi bữa 200-250g cơm, tương đương 1 chén cơm đầy hoặc 2 bát cơm lưng.
4. Chất xơ: Rất quan trọng trong việc tăng cường chức năng tiêu hoá, giảm cholesterol máu, kiểm soát đường huyết tốt hơn. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân bị viêm ruột hoặc tổn thương ở các vị trí trong ống tiêu hoá thì không nên ăn chất xơ thô (rau) mà nên dùng chất xơ hoà tan (bột).
5. Nước: Nước rất cần để duy trì sự sống. Tất cả các tế bào trong cơ thể cũng như mọi hoạt động chuyển hoá đều cần nước. Một số trường hợp hoá hay xạ trị thường làm cho nước bọt sệt lại khiến người bệnh có cảm cảm giác khô miệng, ăn uống khó khăn hơn nên cần uống nước thường xuyên. Trung bình người bệnh cần uống khoảng 1,5 – 2 lit (khoảng 8 ly nước) và nên tăng thêm trong trường hợp bị nôn ói hay tiêu chảy.
6. Chất khoáng và vitamin: Dù cơ thể cần một lượng rất nhỏ các vitamin và khoáng chất, nhưng chúng rất quan trọng trong tạo máu, chuyển hoá men, miễn dịch, lành sẹo… Vitamin và khoáng chất có nhiều trong trái cây, rau xanh, củ tươi hay ngũ cốc.
Vậy, bệnh nhân nên hạn chế, kiêng dùng các loại thực phẩm nào?
- Đầu tiên, như đã nói ở trên, bệnh nhân nên hạn chế dùng các thức phẩm chứa nhiều axit béo như mỡ động vật, thịt nướng, thịt hun khói, món xào rán, bánh chả…
- Các thực phẩm chế biến công nghiệp, đóng gói sẵn như: đồ hộp, thịt nguội.
- Hạn chế uống nước chè ban đêm
- Không nên dùng dầu mỡ rán đi rán lại nhiều lần
- Thực phẩm muối lên men: thịt muối, dưa muối, cà muối…
- Các loại thực phẩm nấm mốc như: lạc mốc, đỗ đậu mốc, hạt bí, hạt dưa rang sẵn bị mốc…
- Các chất kích thích như: rượu, bia, thuốc lá
- Dinh dưỡng trong ung thư là vô cùng quan trọng. Bệnh nhân cũng như người nhà cần giữ vững 5 nguyên tắc dinh dưỡng sau và duy trì xuyên suốt quá
- trình điều trị:
- Ăn đầy đủ và cân đối các chất dinh dưỡng, bằng cách thay đổi thường xuyên các loại thức ăn.
- Cần ăn 3 bữa chính 1-2 bữa phụ (phù hợp nhất là dùng sữa dành cho bệnh nhân ung thư).
- Tăng cường lượng đạm từ thịt, cá, trứng, sữa, đậu đỗ.
- Tăng cường trái cây, rau xanh hay củ quả để bổ sung chất xơ, vitamin và khoáng chất.
- Chọn một phương pháp tập luyện phù hợp với độ tuổi và sức khoẻ. Loại hình thích hợp cho nhiều đối tượng là đi bộ trung bình từ 15-30 phút/lần và khoảng 5 lần mỗi tuần.
- Duy trì một thể trạng tốt cho bệnh nhân là nhiệm vụ vô cùng quan trọng, mà người nhà bệnh nhân đóng vai trò rất lớn trong việc chăm sóc dinh dưỡng toàn diện và lâu dài cho bệnh nhân.
- Vì vậy, tôi hy vọng rằng chúng ta đã trang bị cho mình được những kiến thức chăm sóc dinh dưỡng vô cùng hữu ích cho bệnh nhân. Xin cảm ơn và hẹn gặp lại.