Chất độc hóa học/dioxin hay còn gọi là chất độc da cam là tên gọi của một loại chất thuốc diệt cỏ và làm rụng lá cây được quân đội Hoa Kỳ sử dụng tại Việt Nam trong Chiến dịch Ranch Hand, một phần của chiến tranh hóa học của Hoa Kỳ trong thời chiến tranh Việt Nam. Chất này không có màu và được chứa trong các thùng màu da cam.
1.Thông tin về cuộc chiến tranh hoá học do Mỹ tiến hành ở Việt Nam
Từ năm 1961 đến năm 1971, Quân đội Mỹ đã tiến hành cuộc chiến tranh hoá học tại Việt Nam. Theo đánh giá của các chuyên gia quân sự thì đây là cuộc chiến tranh hoá học lớn nhất trong lịch sử chiến tranh nhân loại. Số liệu do Bộ Quốc phòng Mỹ cung cấp cho thấy, trong vòng 10 năm (từ 8/1961 đến 7/1971), quân đội Mỹ đã thực hiện 19.905 phi vụ rải chất độc hoá học (trung bình mỗi ngày có khoảng 11 vụ) xuống 25.585 thôn, ấp thuộc các vùng lãnh thổ miền Nam Việt Nam, với tổng diện tích từ 1,5 đến 2,6 triệu héc ta, trong số đó có 86% diện tích bị rải 2 lần trở lên và 11% diện tích bị rải trên 10 lần. Theo ước tính của Viện Y khoa Mỹ, quân đội Mỹ đã sử dụng 72 triệu lít chất độc hoá học, trong đó có 44 triệu lít chất độc da cam có lẫn 167kg dioxin là chất độc nhất do con người chế tạo. Số liệu về hoá chất độc mà quân đội Mỹ đã sử dụng trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam được các nhà khoa học Mỹ thuộc trường Đại học Columbia công bố trên Tạp chí Tự nhiên (Nature) tháng 4/2003 là 76,9 triệu lít, trong độc chất da cam chiếm 64% và lượng dioxin ít nhất là 366kg.
Dù chiến tranh đã qua hơn 40 năm nhưng những nỗi đau, vết thương do chất độc hóa học/Dioxin mà quân đội Mỹ rải xuống Việt Nam đã và đang gây nhiều tác hại đến sức khỏe hàng triệu người dân Việt Nam và di chứng lâu dài cho các thế hệ con, cháu của những quân nhân và người dân bị phơi nhiễm chất độc hóa học/Dioxin Hiện nay, ước tính có khoảng 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm chất độc da cam.
2. Những hậu quả để lại sau chiến tranh
Dù chiến tranh đã qua hơn 40 năm nhưng những nỗi đau, vết thương do chất độc hoá học/dioxin (gọi tắt là chất độc hóa học: CĐHH/dioxin) mà quân đội Mỹ rải xuống Việt Nam đã và đang gây nhiều tác hại đến môi trường sinh thái, ảnh hưởng nặng nề cho sức khoẻ hàng triệu người dân Việt Nam và di chứng lâu dài cho các thế hệ con, cháu của những quân nhân, người dân bị phơi nhiễm với CĐHH/dioxin.
Hiện nay, ước tính có khoảng 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm chất độc da cam. Hàng trăm nghìn người trong số đó đã qua đời. Hàng triệu người và cả con, cháu họ đang phải sống trong bệnh tật, nghèo khó do di chứng của chất độc da cam/dioxin. Trong giai đoạn từ 1961-1971 đã có 14 triệu người dân sống ở miền Nam và khoảng 2 triệu cán bộ, chiến sỹ từ miền Bắc vào miền Nam tham gia chiến đấu có nguy cơ phơi nhiễm với chất độc hóa học da cam do Mỹ sử dụng. Theo thống kê chưa đầy đủ của các nhà khoa học Việt Nam, có khoảng 3 triệu nạn nhân chất độc da cam, nồng độ dioxin ở một số nạn nhân sống trong các vùng ô nhiễm chất độc da cam ở mức cao và rất cao. Theo thống kê của các nhà khoa học Mỹ thuộc trường Đại học Columbia, con số này dao động trong khoảng từ 2,1 triệu đến 4,8 triệu người.
Qua kết quả nghiên cứu trong 18 năm của Trung tâm nhiệt đới Việt-Nga, các nhà khoa học kết luận rằng chất độc da cam đã gây ra hậu quả y học và sinh học lâu dài đối với sức khoẻ con người, không những đối với các cựu chiến binh Việt Nam đã từng tham gia chiến tranh, mà còn cả thế hệ thứ 2, thứ 3 là con em của những người đã bị phơi nhiễm. Thậm chí, cả những trẻ em sống trong vùng bị nhiễm chất độc hoá học cũng có biểu hiện bệnh lý. Chất da cam/dioxin đã ảnh hưởng về di truyền sinh thái, đặc biệt gây ra tình trạng sảy thai, lưu thai hoặc có con bị dị tật bẩm sinh ở phụ nữ bị nhiễm dioxin.
3. Ảnh hưởng Dioxin đến sức khỏe
Ngay những năm đầu của thập kỷ 90, Linda Spoonster Schwartz, khi nghiên cứu hậu quả ảnh hưởng chức năng sinh sản và tình trạng sức khoẻ con của cựu chiến binh thấy có nhiều vấn đề sức khoẻ, nhiều trường hợp đẻ khó, sảy thai, đẻ non, trẻ mới đẻ và trẻ dưới 1 tuổi chết nhiều. Những đứa con này cũng có tỷ lệ bị dị tật cao hơn. Gần 40% các trường hợp vợ của cựu chiến binh mang thai phải có can thiệp của chuyên gia đỡ các ca đẻ khó. Tỷ lệ sảy thai (30%) cao hơn nhóm so sánh. Các trường hợp tử vong của trẻ sơ sinh và trẻ mới sinh là do khuyết tật của hệ thống thần kinh trung ương, xương sống và tim. Các dị tật nhỏ được mô tả là về các vấn đề bệnh mạn tính, các vấn đề về học hành và hành vi, những u lành. Các nhà nghiên cứu đó thấy rằng các tử vong của trẻ vừa ra đời, các khuyết tật tim bẩm sinh, cột sống có tật, sứt môi và hở hàm ếch đều tăng phù hợp với những phát hiện của cơ quan kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật CDC. Đến năm 1995, hơn 1038 cựu chiến binh Mỹ ở Việt Nam là những người có con bị khuyết tật. Phát hiện từ các số liệu này đó chỉ ra rằng có vấn đề về chức năng của trẻ là con cựu chiến binh Mỹ đó ở Việt nam như thiểu năng học tập và thiếu tập trung, u lành, u nang, dị ứng và rối loạn hệ thống miễn dịch, thiếu hoóc môn sinh trưởng và các vấn đề về hô hấp, tiết niệu, viêm nhiễm. Ngoài ra, ngay chính cựu chiến binh cũng bị mắc các bệnh mãn tính như ung thư, các bệnh về cơ quan tạo máu, các bệnh lý về thần kinh. Nhiều nghiên cứu cho thấy ở các cựu chiến binh này, số lượng và chất lượng tinh trùng giảm.
4. Các bệnh liên quan đến Dioxin
Danh mục 17 bệnh, tật, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm với chất độc da cam.
Tại Điều 7 Thông tư liên tịch số 20/2016/TTLT-BYT-BLĐTBXH ngày 30/6/2016 của Liên Bộ Y tế, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định danh mục bệnh, tật, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm với chất độc hóa học, gồm:
1. Ung thư phần mềm (Soft tissue sarcoma).
2. U lympho không Hodgkin (Non – Hodgkin’s lymphoma).
3. U lympho Hodgkin (Hodgkin’s disease).
4. Ung thư phế quản – phổi (Lung and Bronchus cancer).
5. Ung thư khí quản (Trachea cancer).
6. Ung thư thanh quản (Larynx cancer).
7. Ung thư tiền liệt tuyến (Prostate cancer).
8. Ung thư gan nguyên phát (Primary liver cancers).
9. Bệnh đa u tủy xương ác tính (Kahler’s disease).
10. Bệnh thần kinh ngoại biên cấp tính hoặc bán cấp tính (Acute, subacute peripheral neuropathy).
11. Bệnh trứng cá do clo (Chloracne).
12. Bệnh đái tháo đường type 2 (Type 2 Diabetes).
13. Bệnh Porphyrin xuất hiện chậm (Porphyria cutanea tarda).
14. Bất thường sinh sản (Unusual birth): Vô sinh.
15. Các rối loạn tâm thần (Mental disorders): Quy định cụ thể tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư này.
16. Các dị dạng, dị tật bẩm sinh: Quy định cụ thể tại Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư này.
17. Tật gai sống chẻ đôi (Spina Bifida).