I. Khái niệm PHCN
Phục hồi chức năng (PHCN) là một thuật ngữ trong y khoa, là một trong 3 lĩnh vực của y học gồm phòng bệnh – chữa bệnh – phục hồi chức năng.
Tổ chức Y tế Thế giới đã đưa ra một khái niệm đầy đủ về PHCN như sau: “PHCN bao gồm các biện pháp y học, kinh tế, xã hội, giáo dục hướng nghiệp và kỹ thuật phục hồi nhằm làm giảm tác động của giảm chức năng và khuyết tật, đảm bảo cho người khuyết tật hội nhập xã hội, có những cơ hội bình đẳng và tham gia đầy đủ các hoạt động của xã hội”
Phục hồi chức năng là trả lại các chức năng bị giảm hoặc bị mất cho người khuyết tật hoặc là giúp họ xử trí tốt hơn với tình trạng khuyết tật của mình khi ở nhà hoặc ở cộng đồng. Phục hồi chức năng không chỉ huấn luyện người khuyết tật thích nghi với môi trường sống mà còn tác động vào môi trường và xã hội tạo nên khối thống nhất cho quá trình hội nhập của người khuyết tật.
II. Các hình thức phục hồi chức năng
Các hình thức phục hồi chức năng:
– Phục hồi chức năng tại viện, tại trung tâm: Người tàn tật từ các nơi xa đến các trung tâm, các viện để được điều trị phục hồi chức năng. Ưu điểm của hình thức này là có nhiều phương tiện, trang thiết bị, có nhiều cán bộ được đào tạo chuyên khoa sâu, có khả năng phục hồi được những trường hợp khó. Tuy nhiên cũng có hạn chế: Bệnh nhân phải đi xa, số lượng người tàn tật được phục hồi ít, giá thành cao, chỉ phục hồi được về mặt y học không đạt được mục tiêu hòa nhập xã hội.
– Phục hồi chức năng ngoài viện, ngoài trung tâm: Là hình thức phục hồi mà cán bộ chuyên khoa đưa phương tiện đến nơi người tàn tật để phục hồi. Hình thức này có ưu điểm là người tàn tật không phải đi xa, số lượng người tàn tật được phục hồi nhiều hơn, giá thành chấp nhận được, người tàn tật được phục hồi chức năng tại nơi họ sinh sống. Song có hạn chế là không đủ cán bộ chuyên khoa để đáp ứng nhu cầu cho người tàn tật, chi phí tốn kém, không có khả năng để triển khai các kỹ thuật lượng giá và phục hồi chức năng ở trình độ cao.
– Phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng: Cán bộ y tế cơ sở, gia đình người tàn tật được chuyển giao kỹ thuật phục hồi chức năng. Người tàn tật được phát hiện và phục hồi chức năng tại cộng đồng theo kỹ thuật thích nghi. Nguồn nhân lực tài chính dựa vào cộng đồng. Hình thức này có tính xã hội hóa cao, người tàn tật, gia đình người tàn tật, chính quyền, các tổ chức đoàn thể đều tham gia. Kinh phí chấp nhận được. Chất lượng phục hồi chức năng cao vì đáp ứng nhu cầu hội nhập xã hội của người tàn tật. Tuy nhiên có hạn chế là đối với các trường hợp khó thì không giải quyết được.
Phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng là một thành tố của chiến lược chăm sóc sức khỏe ban đầu. Số lượng người tàn tật được phục hồi nhiều nhất, 85% người tàn tật được phục hồi chức năng tại cộng đồng. Phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng có ý nghĩa khoa học, kinh tế, nhân văn./.
III. Phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng
1. Khái niệm
– Phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng là chiến lược nằm trong sự phát triển cộng đồng về phục hồi chức năng, bình đẳng về mọi cơ hội và hoà nhập xã hội của tất cả những người khuyết tật. Phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng được triển khai với sự phối hợp chung của chính bản thân người khuyết tật, gia đình họ và cộng đồng bằng những dịch vụ y tế, giáo dục, hướng nghiệp và xã hội thích hợp.
– Phục hồi chức năng dựa vào cộng động là một hình thức cung cấp các biện pháp PHCN về thể chất, tâm thần, hỗ trợ về mặt xã hội, việc làm, giáo dục và tạo ra các điều kiện thuận lợi khác tại cộng đồng để NKT có thể phát huy được hết khả năng của mình, nâng cao chất lượng cuộc sống để hòa nhập xã hội.
2. Sơ lược về chương trình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng
– Được WHO và nhiều tổ chức liên quan của Liên hợp quốc thử nghiệm đầu tiên từ năm 1979. Đến tháng 6/2014, trên thế giới có hơn 100 quốc gia đã triển khai chương trình này.
– Tại Việt Nam, chương trình này được triển khai từ năm 1987. Đến giữa năm 2015, chương trình đã được triển khai tại 53/63 (84%) tỉnh, thành phố với hơn 11.000 cán bộ chuyên trách PHCNDVCĐ tuyến xã trên tổng số 11.164 xã, phường trên toàn quốc.
Mục đích của phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng
– Nâng cao nhận thức của cộng đồng, gia đình NKT để họ tham gia quá trình PHCN và phòng ngừa khuyết tật. – Nâng cao năng lực cho cán bộ PHCN, CTV, thành viên gia đình và NKT về PHCN. – Hỗ trợ về y tế, giáo dục, xã hội… cho NKT.
– Làm cho cộng đồng nhận thức đúng vai trò của mình trong PHCNDVCĐ và biến PHCN thành một nhiệm vụ, một bộ phận của quá trình phát triển xã hội.
– Khuyến khích sự tham gia của chính NKT và gia đình họ vào quá trình PHCN.
– Khuyến khích sự hợp tác đa ngành, sự giúp đỡ của tuyến trên.
– Sử dụng các kỹ thuật thích hợp để biến kiến thức và kỹ năng PHCN áp dụng ngay tại cộng đồng.