I. Người chăm sóc người khuyết tật
Người chăm sóc người khuyết tật là người cung cấp bất kỳ chăm sóc về thể chất và/hoặc tinh thần cho người bệnh hoặc người khuyết tật
Trẻ khuyết tật (KT) có nhiều hạn chế về khả năng, không thực hiện được các hoạt động bình thường như trẻ cùng lứa tuổi, cùng giới nên bị hạn chế nhiều về sự tham gia trong gia đình và xã hội. Trẻ khuyết tật cần được hỗ trợ, chăm sóc và phục hồi chức năng trong một thời gian dài tại gia đình và cộng đồng.
Một nghiên cứu ở Việt Nam cho thấy trong số trẻ khuyết tật hiện nay ở cộng động, có đến gần 70% số trẻ KT ở mức độ khuyết tật vừa hoặc nặng, nguyên nhân chủ yếu là do bẩm sinh (87,2%). Ngoài điều trị tại các cơ sở y tế, những trẻ này có nhu cầu chăm sóc tại gia đình và cộng đồng rất lớn. Vì vậy, người chăm sóc không phải là nhân viên y tế (người chăm sóc là người nhà) đóng vai trò rất quan trọng đối với sức khoẻ và tinh thần của trẻ khuyết tật.
Thêm vào đó, quá trình chăm sóc trẻ KT trong thời gian dài mà không có nhiều sự hỗ trợ từ gia đình, cộng đồng và xã hội cũng gây ra gánh nặng chăm sóc lớn, gánh nặng tâm lý lớn cũng như ảnh hưởng tiêu cực đến sức khoẻ, chất lượng cuộc sống của người nhà trẻ KT, đặc biệt là bố mẹ của trẻ KT.
Có nhiều nghiên cứu trên thế giới chỉ ra tình trạng khuyết tật của trẻ làm giảm trầm trọng chất lượng cuộc sống của người chăm sóc (NCS). Một nghiên cứu ở Australia trên 634 người chăm sóc trẻ chậm phát triển trí tuệ (khó khăn về học) cho thấy đối tượng người chăm sóc trẻ KT dành trung bình 66,6 giờ mỗi tuần để chăm sóc trẻ chậm phát triển trí tuệ. Điểm chất lượng cuộc sống trung bình của nhóm đối tượng người chăm sóc này là 0,80; thấp hơn nhiều so với con số 0,92 – điểm chất lượng cuộc sống ước tính trên quần thể người dân Australia ở lứa tuổi tương đương. Trong đó, người chăm sóc trẻ bị rối loạn phổ tự kỷ có chất lượng cuộc sống thấp nhất, trung bình là 0,77 điểm. Người chăm sóc có thu nhập thấp, ít nhận được sự hỗ trợ tự xã hội, và phải chăm sóc trẻ KT có vấn đề về hành vi, cảm xúc nặng có chất lượng cuộc sống thấp hơn so với nhóm còn lại.
II. Chăm sóc hàng ngày bao gồm
1. Hướng dẫn NKT tập các chức năng sinh hoạt hàng ngày
2. Dinh dưỡng cho Người nhiễm chất độc hóa học Dioxin
3. Hướng dẫn cho người chăm sóc trẻ khuyết tật ăn bằng đường miệng
4. Hướng dẫn trẻ tự mặc quần áo
5. Hướng dẫn tư thế nằm ngửa đúng cho người khuyết tật
6. Hướng dẫn tư thế nằm nghiêng đúng cho người khuyết tật
7. Hướng dẫn lăn trở người khuyết tật
8. Hướng dẫn người khuyết tật tự mặc quần áo
III. Hỗ trợ tâm lý
3.1. Gánh nặng tâm lý
Gánh nặng tâm lý là một vấn đề thường gặp liên quan đến sức khỏe tâm thần trong cộng đồng. Tình trạng mệt mỏi về tâm lý là trạng thái cảm xúc đặc trưng bởi các triệu chứng của trầm cảm và lo lắng.
3.2. Gánh nặng tâm lý và nhu cầu hỗ trợ tâm lý của người chăm sóc trẻ khuyết tật
Người khuyết tật hạn chế khả năng độc lập trong sinh hoạt hàng ngày, hạn chế hoạt động và sự tham gia vào cộng đồng xã hội. NKT là những đối tượng đặc biệt, cần hỗ trợ chăm sóc trong thời gian dài. Người chăm sóc đóng vai trò rất quan trọng đối với tình trạng sức khoẻ và khả năng hoà nhập của NKT. Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng chỉ ra NCS phải đối mặt với các khó khăn về các mối quan hệ trong gia đình, việc chăm sóc và khó khăn về tài chính. Chính vì gánh nặng chăm sóc rất lớn nên người chăm sóc NKT thường phải đối mặt với gánh nặng tâm lý trong thời gian dài, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của họ.
Người chăm sóc của trẻ khuyết tật có mức độ khuyết tật càng nặng thì càng có nhiều nhu cầu cần được hỗ trợ, đặc biệt là nhu cầu hỗ trợ tâm lý. Nhiều bà mẹ của trẻ KT trực tiếp chăm sóc trẻ KT có gánh nặng tâm lý trầm trọng. Nhiều người chăm sóc NKT cần tìm đến sự hỗ trợ của các chuyên gia tâm lý, tuy nhiên chỉ có một số ít đã tiếp cận được hỗ trợ này. Rào cản chính để tiếp cận hỗ trợ này là họ gặp khó khăn trong việc sắp xếp thời gian để tìm kiếm hỗ trợ cũng như bản thân NCS cũng chưa nhận thấy được sự trầm trọng của các vấn đề tâm lý mà họ gặp phải.