Nhu cầu hỗ trợ và nhu cầu tâm lý

Trợ giúp tâm lý xã hội là một phần thiết yếu trong chăm sóc bệnh nhân ung thư, nên được cung cấp cho tất cả các bệnh nhân ung thư và gia đình họ. Trợ giúp này bao gồm mọi khía cạnh xã hội, tài chính, tâm lý, tình cảm, tinh thần, sinh hoạt hàng ngày, trong mọi giai đoạn của bệnh ung thư. Trong những thập kỷ gần đây, ngày càng có nhiều bằng chứng chứng tỏ hiệu quả của phương pháp tiếp cận từng bước cho phép chúng ta có những can thiệp đáp ứng được đúng đối tượng và nhu cầu của người bệnh và người thân của họ. Phương pháp này bao gồm sàng lọc, đánh giá và triển khai can thiệp. Trong bài giảng, PGS.TS Eicher đã đưa ra các phương pháp xây dựng và thực hiện các can thiệp tâm lý xã hội trong chăm sóc ung thư dưới góc độ tiếp cận lấy bệnh nhân làm trung tâm.

Nói tới điều trị ung thư, phần lớn đều nghĩ tới hóa trị, xạ trị mà không biết rằng liệu pháp tâm lý cũng có vai trò vô cùng quan trọng nhưng đang bị xem nhẹ. Thực tế, có tới 82% người bệnh có nhu cầu được tư vấn lâm lý để giải tỏa lo âu, trầm cảm. Điều này cho thấy tầm quan trọng của trị liệu tâm lý cho bệnh nhân ung thư.

1. Các giai đoạn tâm lý của bệnh nhân ung thư

1.1. Giai đoạn đi thăm khám bệnh

Nhiều bệnh nhân chỉ nghĩ đến ung thư là đã hoảng hốt mất ăn, mất ngủ. Nhưng cũng có nhiều người chủ quan, khi đi khám thì đã quá muộn. Trong hoàn cảnh đó cần an ủi bệnh nhân bằng niềm tin vào chuyên môn và nghề nghiệp: Có những xét nghiệm chính xác để phát hiện ung thư, và có những biện pháp điều trị đặc hiệu.

Khi người bệnh có những thái độ không phù hợp như: Quan trọng hóa vấn đề, quá lo lắng, chối bỏ sự thật cần động viên họ, và đảm bảo với họ rằng sẽ có được chăm sóc y tế tốt nhất, chẩn đoán chính xác và nhanh chóng, điều trị có tiên lượng tốt.

1.2. Giai đoạn chẩn đoán bệnh

Khi phát hiện ra bệnh người bệnh thường có các phản ứng như:

Choáng váng, mất lòng tin: phản ứng này đôi khi nặng nề tới mức không thể nói được gì thêm về các kế hoạch điều trị. Bác sĩ lúc này phải có thái độ hỗ trợ và một buổi hẹn khác là cần thiết.

Chối bỏ sự thật: Đây cũng là phản ứng bình thường không cần phải xác định thêm.

Tức giận: Lúc này bệnh nhân cần được động viên tránh các thái độ thù địch với thầy thuốc, gia đình, bạn bè, tôn giáo. Bác sĩ tuyệt đối không được biểu hiện tức giận như là cuộc khiêu khích cá nhân.

Lo lắng: Sự hỗ trợ về tình cảm, những đảm bảo về chăm sóc sẽ làm nhẹ đi, tạo ra mối lo lắng có hiểu biết.

Thất vọng: Một nỗi thất vọng, đau buồn có thể xảy ra, nếu sự bi quan nặng nề cần được can thiệp.

Chối bỏ sự thật thái quá: Điều này ảnh hưởng tới điều trị cho bệnh nhân, cần thảo luận với bệnh nhân, nếu thấy không ổn phải khám tâm thần.

Thất vọng và chán trường: Nỗi thất vọng có thể xuất hiện bất cứ lúc nào sau khi được chẩn đoán ung thư. Các triệu chứng thần kinh thực vật như chán ăn, đoản hơi, mất ngủ và các triệu chứng tâm thần như thất vọng, mất tập trung, hoang tưởng tội lỗi cho thấy nỗi thất vọng sâu sắc. Thêm nữa, bệnh nhân có thể từ chối điều trị nếu như suy nghĩ là không tránh được cái chết. Trong trường hợp này, việc tham khảo chuyên khoa tâm thần sớm là cần thiết.

Đi tìm các điều tự thay thế: Việc dùng các phương pháp điều trị có thể không tác dụng nhưng không gây đau đớn phối hợp với điều trị chuẩn không nên phản đối. Tuy nhiên khi bệnh nhân ham muốn khỏi bệnh nhanh, xa rời những điều trị đúng đắn, lạc hướng vào các thủ pháp lang băm cần được khám tâm thần để hiệu chỉnh tâm lý..